Đại biểu quan ngại về phân bổ vốn và hiệu quả các dự án đầu tư

Góp ý thêm về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng, trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 29/10 về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017..., nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại về phân bổ vốn và hiệu quả các dự án đầu tư.

 

 

 

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu cân đối ngân sách năm 2018 trên 1,35 triệu tỷ đồng, vượt dự toán 39.200 tỷ đồng, khoảng 3% dự toán. 

Kết quả thu ngân sách nhà nước theo báo cáo dù vượt dự toán, nhưng vẫn chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội như: tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu 21% đề ra; nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017; khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước không đạt dự toán, một số địa phương dự ước hụt thu nội địa cho thấy thu NSNN còn thiếu vững chắc

Thu nội địa ước vượt 0,9% so với dự toán nhưng thực chất, số thu từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt dự toán và một trong những nguyên nhân dẫn đến các khoản thu từ khu vực kinh tế không đạt dự toán là do giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao so với số thực hiện năm 2017

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) quan ngại, khi các khoản tăng thu ngân sách chủ yếu đến từ các nguồn không ổn định; số vượt thu chủ yếu từ dầu thô, nhà đất. Nếu loại bỏ yếu tố thu từ đất thì nhiều địa phương hụt thu. Trong doanh nghiệp còn thất thu thuế, chuyển giá. 

"Nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào khai thác,  bán tài nguyên để phát triển, trong khi thu ở các khu vực bền vững như doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh đều giảm", đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh.

Liên quan  đến chi đầu tư phát triển, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về tình trạng phân bổ vốn, mà Báo cáo của Chính phủ đã thừa nhận, còn tình trạng giao vốn đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật chưa được khắc phục: tình trạng giao vốn chưa hết, giao vốn rất chậm, giao nhiều lần vẫn xảy ra; tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn chậm.

Đáng ngại, có những dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia và một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA bị chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng NSNN, trong khi một số dự án có khả năng thực hiện và giải ngân tốt lại bố trí kế hoạch vốn thấp hoặc chưa được bố trí vốn.

Chính vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình, báo cáo Chính phủ cần thống kê vừa qua bao nhiêu dự án đầu tư công hiệu quả, dự án nào thua lỗ, từ đó có cơ sở xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm, tránh thất thoát vốn Nhà nước.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu cân đối ngân sách năm 2018 trên 1,35 triệu tỷ đồng, vượt dự toán 39.200 tỷ đồng, khoảng 3% dự toán.